Thương hiệu là công cụ để bạn khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và tâm trí khách hàng mục tiêu. Để khách hàng biết đến, nhớ và yêu thích doanh nghiệp cần định vị thương hiệu mình là ai? Chỉ khi khách hàng biết rõ về bạn, nhớ về bạn thì thương hiệu của bạn sẽ trở nên uy tín, thu hút được đông đảo khách hàng. Vậy định vị thương hiệu là gì? Tại sao các doanh nghiệp cần định vị thương hiệu. Hãy cùng Tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Định vị thương hiệu là gì?
Theo P.Kotler, định vị thương hiệu chính là tập hợp các hoạt động nhằm tạo ra vị trí riêng biệt so với đối thủ cạnh tranh trong tâm trí của khách hàng.
Hay theo Marc Filser, định vị thương hiệu là nỗ lực mang lại cho sản phẩm một hình ảnh riêng, để dễ đi vào nhận thức của khách hàng.
Ví dụ, khi mua bột giặt bạn sẽ nghĩ ngay đến Omo để đánh bật vết bẩn cứng đầu. Định vị thương hiệu của Omo chính là hãng bột giặt để đánh bay vết bẩn. Hay khi mua xe bạn sẽ nghĩ ngay đến Toyota với tính năng bền bỉ, chắc chắn.
Định vị thương hiệu chính là công cụ để phân biệt các sản phẩm và thương hiệu cùng loại. Bạn cần tạo cho thương hiệu của mình một hình ảnh riêng biệt để khách hàng nhớ đến, sở hữu bản sắc riêng để không bị hòa trộn vào thị trường.
Tại sao cần định vị thương hiệu?
Có tới 77% các nhà lãnh đạo từ những thương hiệu thành công khẳng định thương hiệu là thứ tối thượng để phát triển và tồn tại bền vững trên thị trường. Chắc hẳn với những sếp nữ đã và đang kinh doanh cũng phần nào hiểu được tầm quan trọng của định vị thương hiệu đối với các doanh nghiệp.
Định vị thương hiệu sẽ trở thành công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp nếu bạn biết khai thác đúng cách. Từ đó thu hút thêm khách hàng mục tiêu và đảm bảo những hoạt động, chiến lược truyền thông diễn ra trơn tru hơn. Vậy tại sao cần xây dựng định vị thương hiệu, hãy cùng Tôi tìm hiểu những lợi ích mà định vị thương hiệu mang lại nhé.
Tạo ấn tượng in sâu trong tâm trí khách hàng
Doanh nghiệp của bạn có thể trở thành vị trí số 1 (Top of mind) trong tâm trí khách hàng chỉ với định vị thương hiệu. Khi thị trường có rất nhiều đối thủ cạnh tranh muốn cướp khách hàng của bạn thì định vị thương hiệu sẽ giúp khách hàng chỉ nhớ đến và yêu thích sản phẩm của bạn mà thôi.
Thúc đẩy hành động mua trong tương lai
Ngày hôm nay khách hàng chưa chọn sản phẩm của bạn, nhưng không đồng nghĩa trong tương lai cũng như thế. Người tiêu dùng chỉ lựa chọn những thương hiệu mang lại cho họ cảm xúc tích cực và họ biết đến. Vì vậy, khi định vị thương hiệu tốt, một ngày nào đó họ sẽ tìm mua sản phẩm của bạn thay vì các thương hiệu khác ngay khi có nhu cầu.
Dễ dàng định giá cao cho sản phẩm/dịch vụ
Mặt hàng của bạn là cao cấp hay bình dân thì cũng cần phải có chiến lược định vị thương hiệu tương ứng. Đặc biệt với những mặt hàng cao cấp hay xa xỉ, định vị thương hiệu sẽ giúp ích nâng cao giá trị của sản phẩm. Nếu không có định vị, bạn sẽ không thể truyền tải chính xác chất lượng của sản phẩm. Lúc này khách hàng sẽ cảm nhận được giá trị của sản phẩm và cảm thấy thỏa mãn khi bỏ ra một số tiền tương ứng để sở hữu sản phẩm đó. Và bạn không gặp phải tình trạng sản phẩm rất giá trị nhưng không thể bán giá cao !
Giúp nhiều khách hàng biết đến thương hiệu bạn
Một chiến lược định vị thương hiệu đủ mạnh sẽ cho phép bạn truyền tải một thông điệp truyền thông thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Thương hiệu của bạn sẽ được tăng nhận diện giúp khách hàng mới biết đến cũng như giúp các khách hàng cũ quay lại mua sản phẩm và trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ có cần định vị thương hiệu không?
Một trong những sai lầm của các sếp nữ khi kinh doanh cho rằng chi phí để làm thương hiệu rất tốn kém và chỉ có các thương hiệu lớn mới cần xây dựng định vị thương hiệu.
Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm. Các công ty lớn có tiềm lực tài chính lớn sẽ có cách định vị thương hiệu riêng. Và đương nhiên, khi bạn là chủ một doanh nghiệp nhỏ bạn cũng hoàn toàn có thể định vị thương hiệu bằng cách riêng của mình.
Nếu không định vị thương hiệu, khách hàng sẽ không biết đến bạn là ai, bạn nên nhớ là một doanh nghiệp thực thụ, kinh doanh lâu dài thì phải có thương hiệu để gợi nhớ, gắn liền, tạo điểm nhấn cho sản phẩm.
Thương hiệu là ấn tượng, là thiện cảm đầu tiên khách hàng nhớ về bạn, về sản phẩm của bạn. Và hơn nữa, một doanh nghiệp nhỏ, lại không có thương hiệu chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc bạn đang “khởi đầu cho một thất bại”.
Cùng với đó, khách hàng có xu hướng lựa chọn cũng như ấn tượng ngay với doanh nghiệp có thương hiệu thu hút. Vậy nên, doanh nghiệp nhỏ thì hãy đầu tư cho mình một thương hiệu tốt, đây chính là “thỏi nam châm” hút khách cho công ty của bạn đấy!
Một trong những ví dụ điển hình để trả lời doanh nghiệp nhỏ có cần định vị thương hiệu hay không là những quán trà sữa ven đường, những tiệm quần áo thời trang nhỏ lẻ vẫn đang không ngừng cố gắng tạo ấn tượng riêng biệt đối với khách hàng của họ. Vậy thì tại sao bạn lại không định vị thương hiệu cho doanh nghiệp của chính mình và bỏ qua yếu tố quyết định này?
Xem thêm: 7 Sai lầm về Marketing mà nữ chủ doanh nghiệp không hề hay biết
Chiến lược định vị thương hiệu
Cho dù doanh nghiệp của bạn có quy mô to hay nhỏ, việc làm thương hiệu và xây dựng chiến lược định vị thương hiệu vô cùng quan trọng. Bạn có thể không cần làm rầm rộ nhưng nhất định phải độc nhất.
Vậy chiến lược thương hiệu là gì?
Chiến lược thương hiệu là kế hoạch phát triển có hệ thống của một thương hiệu để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Chiến lược được bắt nguồn từ Tầm nhìn của thương hiệu và được thúc đẩy bởi các nguyên tắc Khác biệt hóa.
Với định nghĩa trên, keyword bạn cần tập trung chính là “Khác biệt hóa”. Chỉ khi tìm được điểm khác biệt có trong sản phẩm, dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp bạn mới có thể sở hữu chiến lược định vị thương hiệu thành công.
Dưới đây là một số phương pháp định vị thương hiệu bạn có thể tham khảo và áp dụng vào doanh nghiệp của mình.
Định vị dựa vào chất lượng
Nếu bạn cảm thấy chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ của mình là khác biệt và đối thủ khó có thể bắt chước thì hãy sử dụng phương pháp định vị này. Không có sản phẩm gì là tuyệt đối 100% và phụ thuộc vào cảm nhận của khách hàng, nếu bạn khiến khách hàng cảm thấy sản phẩm tốt thì họ sẽ lựa chọn bạn.
Ví dụ: một khách hàng A khẳng định laptop của Dell chất lượng tốt nhất. Nhưng một khách hàng B lại hoàn toàn có thể khẳng định Macbook chất lượng hơn.
Định vị dựa vào giá trị
Khách hàng khi mua sản phẩm không chỉ mua công năng sử dụng mà còn quan tâm đến giá trị sản phẩm này mang lại là gì, có phù hợp với số tiền mà họ bỏ ra để có được sản phẩm đó hay không. Với phương pháp định vị này, bạn có thể xây dựng sức mạnh thương hiệu bền vững trong lòng khách hàng.
Ví dụ, định vị của Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ.
Định vị dựa vào tính năng
Bạn có thể định vị thương hiệu dựa vào tính năng của sản phẩm. Lựa chọn những tính năng dễ nhớ để khách hàng cảm nhận được ngay lần đầu tiên khi sử dụng sản phẩm giúp chiếm được niềm tin và tình cảm của họ. Tuy nhiên với phương pháp định vị này, bạn sẽ khó tạo ra sự khác biệt và dễ bị đối thủ phản công. Khi trên thị trường có sản phẩm với tính năng tương tự chiến lược định vị thương hiệu của bạn sẽ không còn hiệu quả.
Ví dụ Oppo định vị thương hiệu là camera phone, chuyên dành để chụp hình selfie.
Định vị dựa vào mong muốn
Thành công khơi gợi lên mong muốn từ sâu bên trong của khách hàng là cách định vị giúp tạo dấu ấn đậm nét nhất trong tâm trí. Phương pháp định vị này dễ bắt gặp với những doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, làm đẹp hoặc thẩm mỹ Spa.
Ví dụ hãng bia Tiger định vị thương hiệu là đánh thức bản lĩnh đàn ông.
Định vị dựa vào vấn đề/giải pháp
Với phương pháp định vị này, thương hiệu sẽ cung cấp những giải pháp gì để giải quyết vấn đề của khách hàng. Thông thường các ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ lựa chọn chiến lược định vị này để nêu bật lên lợi ích khách hàng nhận được.
Ví dụ Omo với định vị là bột giặt đánh bay vết bẩn. Trong đó vết bẩn quần áo là vấn đề khách hàng gặp phải, và Omo cung cấp giải pháp bột giặt giúp đánh bay vết bẩn cứng đầu giúp quần áo lấy lại vẻ trắng sáng như mới.
Định vị dựa trên đối thủ
Bạn hoàn toàn có thể định vị thương hiệu dựa trên đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình. Phương pháp định vị này được Cocacola và Pepsi sử dụng, hay hãng giày đình đám Nike và Adidas.
Định vị dựa trên cảm xúc
“Cảm xúc” là con đường ngắn nhất để dẫn dắt từ trái tim đến tâm trí. Rất nhiều thương hiệu đã sử dụng cảm xúc để định vị cho mình. Thực tế cho thấy, hiệu quả của phương pháp định vị này rất cao giúp ghi dấu ấn đậm nét trong khách hàng và công chúng.
Ví dụ định vị của Biti’s với câu slogan nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt”.
Hay định vị của Dove với câu sologan “Real Beauty” để phụ nữ tự tin vào chính bản thân mình.
Định vị dựa trên công dụng
Đây là một phương pháp định vị an toàn, dễ dàng chiếm được lòng tin của khách hàng. Nếu bạn đang kinh doanh sơn tường, đồ nội thất có thể lựa chọn.
Ví dụ: Nippon sử dụng định vị thương hiệu dựa trên công dụng với Slogan “Sơn đâu cũng đẹp”.
Chiến lược truyền thông thương hiệu
Khi đã lựa chọn được phương pháp định vị thương hiệu, việc tiếp theo bạn cần làm là thể hiện và cho khách hàng biết bạn là ai trên các kênh truyền thông. Xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu là một quá trình dài, gồm những bước đi vững chắc để tạo được 1 kế hoạch tổng thể liên kết với nhau.
Dưới đây là các bước giúp xây dựng một chiến lược truyền thông thương hiệu hiệu quả.
Bước 1: Nghiên cứu đối tượng khách hàng mục tiêu là đối tượng truyền thông
Điều đầu tiên khi xây dựng một chiến lược bất kỳ chính là nghiên cứu, tìm hiểu và thấu hiểu khách hàng mục tiêu của bạn. Giống như việc bắn tên, nếu không có đích bạn chẳng biết nên bắn theo hướng nào để được cộng điểm tối đa cả.
Với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, bạn sẽ nghiên cứu và tìm hiểu Insight của họ là gì, thấu hiểu khách hàng và hành vi của họ. Từ đó xác định chi tiết chân dung khách hàng bao gồm các yếu tố nhân khẩu học, sở thích và lối sống, thậm chí cả hành vi trên Internet của họ.
Ví dụ bạn kinh doanh đồ bỉm sửa dành cho bé, thì đối tượng khách hàng mục tiêu chính là các bà mẹ có con nhỏ, có hành vi tìm kiếm những cách dạy con, các thực phẩm tốt dành cho con…
Xem thêm: 4 Mẹo thấu hiểu tâm lý khách hàng trên Internet tăng hiệu quả bán hàng gấp 5 lần
Bước 2: Xác định mục tiêu của chiến lược truyền thông
Sau khi đã có đối tượng mục tiêu là các bà mẹ có con nhỏ, độ tuổi từ 25-35 tuổi hay sử dụng Facebook và Internet. Tiếp theo bạn cần xác định rõ mục tiêu truyền thông là gì. Tức là, điều mà doanh nghiệp muốn đạt được khi xây dựng chiến lược. Các mục tiêu đặt ra phải phù hợp với đối tượng mục tiêu ở bước 1, dựa vào khả năng nhận biết thương hiệu của khách hàng, mức độ gia tăng doanh số cũng như vị trí hiện tại của bạn trên thị trường.
Nếu trước đây bạn chỉ kinh doanh truyền thống, chưa quảng bá thương hiệu trên Internet thì độ nhận diện còn thấp, mục tiêu của chiến lược truyền thông lúc này là chạy phủ thị trường, nâng cao độ nhận diện và làm cho khách hàng mục tiêu biết đến bạn. Nhưng khi bạn đã kinh doanh Online một thời gian, có một lượng khách quen nhất định thì mục tiêu của chiến lược truyền thông cần được nâng cao hơn, hãy hướng đến mục tiêu là gia tăng tỷ lệ khách mới mua hàng và khách hàng cũ quay lại.
Bước 3: Xây dựng thông điệp thương hiệu
Thông điệp bạn lựa chọn cho cửa hàng đồ bỉm sửa cho bé có thể dựa trên chất lượng, giá cả hoặc tính năng. Thông thường mẹ khi mua bỉm cho con sẽ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, có tràn hay không, có hầm bí hay không. Nếu bạn đang bán sản phẩm vào mùa hè thì hãy truyền tải thông điệp thoáng mát, không bị hăm tã để đánh vào đối tượng là các bà mẹ.
Để tạo nên thông điệp cốt lõi của thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng bạn cần phải tìm các yếu tố có thể khiến người dùng đặc biệt chú ý. Từ đó tạo nên sự ảnh hưởng, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dùng.
Hãy chọn cách len lỏi vào tim khách hàng hoặc tấn công trực diện để tìm được một vị trí trong lòng họ. Bởi ngày nay việc quá tải thông tin phải tiếp nhận mỗi ngày khiến các brand khó lòng tạo ấn tượng với người dùng hơn.
Bí quyết lựa chọn thông điệp sẽ dựa trên phương pháp định vị bạn lựa chọn. Nếu bạn chọn định vị dựa vào công dụng thì hãy truyền tải thông điệp nhấn mạnh vào công dụng bạn mang lại cho khách hàng.
Bước 4: Chọn kênh truyền thông thích hợp
Tiếp theo hãy tiến hành lựa chọn một trong hai kênh truyền thông, một là trực tiếp hai là gián tiếp. Sau khi chọn được kênh truyền thông cụ thể, bạn sẽ biết cách tiếp cận khách hàng đúng đắn nhất. Nếu biết cách tối ưu, bạn không cần chọn quá nhiều kênh truyền thông khác nhau trong chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp.
Bạn có thể lựa chọn kênh Facebook và xây dựng Website để khách hàng có thể tìm thấy bạn trên các kênh mạng xã hội. Trên Facebook bạn hãy chạy quảng cáo để tăng tương tác và thu về nhiều data, sau đó có thể chạy các chương trình khuyến mại để kích thích mua hàng. Kết hợp với làm website cũng như đi báo để gia tăng sự uy tín, chuyên nghiệp.
Bước 5: Đo lường và hiệu chỉnh
Cuối cùng bạn cần xây dựng thước đo lường để đánh giá hiệu quả của chiến dịch truyền thông thương hiệu. Nếu không có bước này bạn sẽ không đánh giá được điểm mạnh, yếu của chiến dịch. Từ đó không thể rút kinh nghiệm và sửa sai được.
Bạn hãy xem chiến dịch truyền thông trên Facebook đã đạt được số khách hàng mong muốn hay lượt tiếp cận đúng như mục tiêu hay chưa. Ngân sách bỏ ra để chạy quảng cáo có vượt quá hay không… Khi xác định mọi thứ đều ổn sẽ bắt tay vào thực hiện, nếu chưa ổn tiếp tục hiệu chỉnh lại.
Kết luận
Hãy bắt đầu tìm hiểu và định vị thương hiệu của doanh nghiệp để trở thành số 1 trong lòng khách hàng. Đó là cách bền vững nhất giúp bạn tồn tại và có vị trí bền vững so với các đối thủ cạnh tranh.
Xem ngay khóa đào tạo Internet Marketing Thực Chiến Dành Cho Phụ Nữ