Tháng Bảy 10, 2022

Bạn luôn tự hỏi: “Vì sao nhân viên của mình lại nhảy việc?”. Có người nói áp lực công việc lớn, có người lại thẳng thắn thừa nhận, dù công ty có trả lương cao nhưng lại không cho thấy được tương lai tươi sáng khi làm lâu dài?

Lúc nhận quyết định xin nghỉ của nhân viên, bạn có bao giờ nghĩ đến nguyên nhân sâu sa bên trong không? Lẽ nào nhân viên nghỉ chỉ vì chênh lệch tiền lương ? Hãy cùng tôi tìm hiểu lý do tại sao trả lương cao nhân viên vẫn bỏ bạn qua bài viết sau đây nhé. 

Công ty không có mô tả công việc rõ ràng

Nhiều doanh nghiệp nhỏ khi tuyển nhân viên thường sẽ không có mô tả công việc rõ ràng dẫn đến nhân viên không biết chính xác nhiệm vụ và trách nhiệm của mình ở công ty là gì. Nhiều khi sếp giao việc theo cảm hứng hoặc thấy việc nào cần thì giao, nhân viên không rõ kế hoạch công việc của họ dẫn đến bị động. 

Không một ai muốn làm mãi một công việc nhàm chán và cứ đều đều ngày này qua ngày khác, không hiểu rõ mình có vai trò gì trong công ty. Vì thế, dù bạn có trả lương cao nhưng nhân viên không vui vẻ, không có hứng thú đi làm cũng sẽ bỏ bạn để tìm kiếm cơ hội mới.

Ví dụ một công ty bán mỹ phẩm tuyển thêm 1 bạn nhân viên SEO kiêm Google Adwords nhưng phần mô tả công việc không rõ ràng dẫn đến việc làm chính của bạn nhân viên trong ngày chỉ ngồi chơi, tối ưu website. Chỉ đến khi sếp giao việc là chạy quảng cáo từ khóa này, từ khóa kia bạn nhân viên mới bắt đầu thực hiện. Như vậy, nhân viên SEO sẽ bị động trong công việc không biết rõ việc làm chính của mình là gì lâu dần nhân viên sẽ cảm thấy bí bách, không có tương lai và khả năng phát triển và kết quả sẽ xin nghỉ việc để tìm việc mới. 

Mối quan hệ không tốt với sếp 

Sếp là một phần không thể thiếu trong một ngày làm việc 8h của nhân viên. Nếu mâu thuẫn của nhân viên với sếp trở nên không thể kiểm soát thì chắc chắn nhân viên không thể làm việc một cách thoải mái, toàn tâm, toàn ý cho công việc.

Nhân viên không nhất thiết phải làm bạn với sếp, nhưng giữa họ và sếp cần có mối quan hệ đủ tốt để công việc được vận hành trơn tru.

Và một khi xảy ra mâu thuẫn, mối liên hệ giữa sếp và nhân viên sẽ bị phá hỏng, không còn tìm được tiếng nói chung nữa thì nhân viên thường sẽ nhảy việc để chấm dứt mâu thuẫn này. 

Công ty không đáp ứng nhu cầu của nhân viên

Quan tâm đến nhu cầu và động lực của nhân viên là một trong những yếu tố các nhà quản lý quan tâm hàng đầu nếu muốn nhân viên gắn bó lâu dài. Không phải cứ trả lương cao nhân viên sẽ ở lại và dốc hết sức lực vì công ty của bạn. Vì đôi khi nhu cầu của nhân viên khi ứng tuyển là lộ trình thăng tiến, tìm kiếm môi trường làm việc mới và thử sức ở vị trí mới. Và khi bạn đáp ứng sai nhu cầu, mong muốn của nhân viên thì họ sẽ sẵn sàng rời bỏ bạn. 

Ví dụ bạn trả cho nhân viên Marketing của mình mức lương 15 triệu 1 tháng nhưng không có lộ trình thăng tiến rõ ràng trong khi mục đích họ ứng tuyển vào vị trí này là muốn lên leader hoặc trưởng phòng Marketing. Sau 4-5 tháng làm việc nếu công ty không vạch rõ lộ trình cho họ, thì đương nhiên họ sẽ từ bỏ công ty và chuyển hướng sang 1 bên khác. 

Bất hòa với đồng nghiệp

Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc ra đi của nhân viên. Đồng nghiệp là người mà nhân viên dành ⅓ thời gian trong ngày để “sống” cùng. Đồng nghiệp là người ngồi cùng bàn, tương tác, làm việc chung một nhóm, hít thở chung một bầu không khí, và là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường làm việc của mỗi nhân viên.

Và khi xảy ra mâu thuẫn và không hài lòng với đồng nghiệp làm cùng, nhân viên có thể sẽ nghỉ việc. Bạn có thể nhận biết được nhân viên có hài lòng với công việc, môi trường trong công ty hay không hãy xem họ có những người bạn tốt, đồng nghiệp tốt ở nơi làm việc hay không. 

Nhân viên không có cơ hội phát huy khả năng, sở trường của họ 

Bất cứ ai cũng muốn làm chính mình, được thể hiện khả năng của mình trước sếp và đồng nghiệp. Khi nhân viên được tạo điều kiện phát huy những thế mạnh của mình trong công việc, họ sẽ cảm thấy tự hào, và tự tin hơn. Họ muốn tham gia các hoạt động họ làm tốt và phát triển kỹ năng của mình lên cấp độ cao hơn. Nếu họ không thể làm điều này, họ sẽ giống như một con hổ bị xiềng xích, tới một lúc nào đó con hổ đó sẽ phá vỡ xiềng xích và tìm kiếm một công ty khác biết sử dụng giá trị của họ.

Kết quả làm việc của nhân viên không được công ty công nhận

Kể cả bạn hay tôi khi làm việc hết mình, nỗ lực không ngừng nghỉ vì lợi ích chung của công ty nhưng chính công ty lại không công nhận điều đó liệu chúng ta sẽ nghĩ gì?  Chúng ta sẽ nghĩ rằng có mình hay không cũng không quan trọng, vậy tại sao chúng ta còn đi làm? 

Chính vì vậy, nhân viên luôn muốn trở thành một phần quan trọng của công ty. Chỉ khi họ thấy những đóng góp của họ có giá trị, giúp công ty kinh doanh và hoạt động tốt hơn thì đó sẽ trở thành một nguồn động lực vô cùng to lớn để thúc đẩy nhân viên cống hiến và làm việc. Bạn nên công nhận và khen thưởng trước toàn bộ nhân viên trong công ty về thành tích và năng lực của họ nhé. 

Nhân viên không được tự quyết và độc lập trong công việc

Mỗi chúng ta ai cũng có “cái tôi” của riêng mình và một khi bị kìm hãm quá lớn sẽ gây ra sự ức chế và đổ vỡ. Mỗi nhân viên có đặc điểm và cá tính riêng, mỗi người đều có chuyên môn và khả năng riêng để tự chịu trách nhiệm về công việc của mình.

Tuy nhiên nhiều công ty quá khắt khe trong quy trình làm việc, nhân viên làm gì cũng phải hỏi ý kiến của quản lý từ những việc nhỏ nhất cho dù đó là trách nhiệm và vị trí công việc họ đảm nhận. Lâu dần, nhân viên không được tự quyết trong chính công việc của mình sẽ bị đóng khung, không được sáng tạo và dẫn đến tình trạng nhàm chán. Vì thế, dù cho nhân viên của bạn đảm nhận công việc gì từ trợ lý, kế toán, trưởng nhóm, trưởng phòng kinh doanh… hãy luôn cho nhân viên của mình có được cơ hội để họ chủ động và tự do sáng tạo trong công việc. 

Vị trí của nhân viên không còn cơ hội để phát triển 

Khi làm quá lâu ở một vị trí cố định nhưng không còn cơ hội để phát triển lên cao cũng là một trong những lý do khiến nhân viên nghỉ việc cho dù bạn có trả lương cao. Ngoài lương thì sự nghiệp thăng tiến rất quan trọng trong khi quyết định lựa chọn 1 công việc nào đó. Vì thế, nếu vị trí họ đang đảm nhiệm, nhân viên cảm thấy không còn cơ hội để phát triển nữa thì họ sẽ nghỉ việc để tìm hướng phát triển mới. 

Văn hóa công ty không phù hợp

Văn hóa công ty là một trong những yếu tố quan trọng với nhân viên. Tổ chức có đánh giá cao nhân viên, tôn trọng họ, đối xử một cách công bằng và chế độ lương thưởng và phúc lợi thỏa đáng cho họ không? Quản lý có quan tâm đến đời sống cá nhân của nhân viên không? Có tổ chức các sự kiện, hoạt động và xây dựng nhóm để tạo môi trường làm việc tốt cho họ không? Nhân viên có cảm thấy hạnh phúc khi làm việc trong công ty không? 

Điều nhân viên cần ở nơi làm việc chính là sự minh bạch và công bằng, quản lý dễ gần, đường hướng phát triển rõ ràng. Văn hóa công ty là yếu tố có thể giúp bạn giữ nhân viên của mình gắn bó lâu dài.

Kết luận 

Một quản lý giỏi phải biết cách giữ chân nhân viên của mình. Bạn không thể suốt ngày đi tuyển nhân viên mới mà không hiểu tại sao nhân viên của mình lại lần lượt xin nghỉ. Vì thế hãy thấu hiểu nhân viên và cho họ môi trường làm việc phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng khi ứng tuyển nhé. 

Xem ngay khóa đào tạo Internet Marketing Thực Chiến Dành Cho Phụ Nữ

 

Success message!
Warning message!
Error message!